Tin tức
Nhiều yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá nửa cuối năm 2018
Cập nhật: 10/07/2018
Lượt xem: 1932

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, 5 tháng cuối năm 2018, mặc dù vẫn còn áp lực tăng giá đến từ các nhân tố thị trường nhưng đã có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá nói chung.

Ông Nguyễn Anh Tuấn.

Thưa ông, những nhân tố nào được coi là gây áp lực tăng giá trong những tháng còn lại của năm 2018?

Áp lực tăng giá chủ yếu đến từ các nhân tố thị trường như biến động tăng của giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới như giá xăng dầu, LPG; Biến động tăng của giá lương thực, thực phẩm trong nước; Rủi ro từ thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp làm tăng giá cục bộ các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương bị ảnh hưởng; Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá. Ngoài ra, việc nâng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ ảnh hưởng nhất định đến lãi suất và tỷ giá trong nước...

Vậy yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá là gì, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, áp lực tăng giá chủ yếu đến từ các nhân tố thị trường. Trong thực tế, vẫn có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Trong một vài tháng tới, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thực phẩm tươi sống dự báo ổn định và thường giảm vào mùa hè, giá thuốc chữa bệnh phấn đấu tiếp tục giảm theo kế hoạch đấu thầu thuốc tập trung, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giảm từ ngày 15/7/2018 dự kiến tác động làm giảm CPI khoảng 0,35%; giá cước kết nối thoại giữa các mạng di động giảm 20%, lạm phát cơ bản ở mức thấp...

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực chủ động điều hành giá cả thị trường và thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát hiệu quả. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm trong việc kiểm soát CPI bình quân dưới mức 4% như Quốc hội đã giao để bảo đảm cân đối kinh tế và hỗ trợ cho tăng trưởng, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính có những giải pháp gì để tham mưu với Chính phủ trong việc điều hành giá thưa ông?

Bộ Tài chính với vai trò quản lý nhà nước chung về giá và là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục làm tốt vai trò điều phối, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc điều hành giá, chú trọng công tác dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá để tham mưu việc điều hành giá các mặt hàng nhà nước quản lý với bước đi thận trọng và lộ trình thích hợp.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương trong thực hiện chủ trương của Chính phủ đối với công tác kiểm soát lạm phát, nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 259/TB-BCĐĐHG ngày 30/3/2018 và đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 403/TB-BCĐĐHG ngày 22/6/2018. Bộ Tài chính triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn...

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công…, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, không cho điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Thứ ba, đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu: Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân. Đối với giá dịch vụ y tế, việc kết cấu thêm các chi phí vào trong giá theo lộ trình phụ thuộc vào dư địa lạm phát trong những tháng còn lại của năm.

Thứ tư, trong việc điều hành giá xăng dầu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để kiềm chế việc tăng giá, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.

Thứ năm, đối với một số mặt hàng nông sản đang tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới, tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác nắm bắt tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhằm đưa ra các dự báo, tính toán kịch bản điều hành giá cho từng giai đoạn để kịp thời đề xuất các biện pháp bình ổn thị trường phù hợp.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý theo cơ chế giá. Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thi hành Luật giá và các văn bản hướng dẫn để có cơ sở báo cáo Chính phủ tiến hành sửa đổi luật (nếu cần thiết).

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Cuối cùng, để công tác quản lý, điều hành giá đạt được những kết quả tích cực, chúng tôi tiếp tục chú trọng, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: baohaiquan.vn

 
 
 
Danh mục dịch vụ
Hộ trợ trực tuyến
Hotline: 84 (0) 91 435 9493
Email: contact@asglobal.vn
 
Kinh doanh
 
Chứng từ (Docs)
Khách hàng tiêu biểu
  • VIETTHANG
  • VBC